Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất Xe tăng tại Việt Nam

Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, xe tăng là ưu thế tuyệt đối của quân đội Pháp trước Việt Minh. Hầu hết số xe tăng này đều có nguồn gốc từ .

Xe tăng M3, M4

M5A1 là phiên bản cải tiến từ xe tăng hạng nhẹ M3 Stuart. Xe được trang bị pháo chính 37mm M6 với giáp dày 13-51mm. Trong giai đoạn 1946-1949, Pháp nhận được các xe M3A3 và M5A1 trong khuôn khổ chương trình Lend-Lease và sử dụng trong cuộc chiến. Số này được biên chế cho Sư đoàn thiết giáp số 2 LeClerc. Bên cạnh đó Quân đội Pháp còn trang bị xe tăng M4 Sherman.

M24 Chaffe

Như những mẫu tăng thành công khác trong Thế chiến II, M24 được chuyển đến rất nhiều nước trên thế giới và được sử dụng bởi khá nhiều quân đội, cho đến khi được thay thế dần bởi loại tăng M41 Walker Bulldog. Những chiếc M24 đầu tiên của Pháp đến Đông Dương vào cuối năm 1950[3], thay thế cho các xe M3 / M5 Stuart hạng nhẹ đã lỗi thời cũng như xe tăng hạng trung M4 Sherman. Xe tăng M24 C1951 hình thành cơ sở của các đơn vị thiết giáp Pháp trong khu vực.[4] Việc sử dụng các phương tiện bọc thép trong Chiến tranh Đông Dương bị hạn chế do tình trạng mạng lưới giao thông rất kém, kết hợp với chiến thuật du kích của Việt Minh. Theo quy định, xe tăng chỉ được sử dụng để bảo vệ các đoàn xe hoặc để bảo vệ các đơn vị đồn trú và các khu định cư. Trong điều kiện đó, sự xuất hiện của M24 đáng tin cậy và có tính cơ động cao đã làm tăng đáng kể khả năng tác chiến của lực lượng thiết giáp Pháp.[5] M24 trong quân đội Pháp có biệt danh " Bison " (fr.  Bison).[6] Quân Pháp từng sử dụng M24 trong các chiến dịch càn quét tại Đông Dương và cho kết quả rất tốt. Rất nhiều tăng M24 của quân đội Pháp tại Đông Dương được chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau được Quân đội Việt Nam Cộng hòa sử dụng cho đến khi được người Mỹ viện trợ cho loại tăng M41 Walker Bulldog thay thế.[6]

Trận Điện Biên Phủ

Để bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Điện Biên), năm 1954 Pháp đã huy động 10 xe tăng M24. Số xe tăng này được tháo rời và không vận từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tới sân bay Mường Thanh và lắp ráp ngay tại tập đoàn cứ điểm.10 chiếc tăng được biên chế thành đại đội số 3, thuộc trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 (3/1RCC), với một xe chỉ huy và 3 phân đội, trong đó phân bổ cho phân khu Mường Thanh 2 phân đội (6 xe) và phân khu phía Nam (Isabelle - Hồng Cúm) 3 xe. Chỉ huy đại đội là đại úy Yves Hervouët.Mỗi xe tăng đều được quân đội Pháp đặt một tên riêng. Theo cuốn sách The Last Valley (Thung lũng cuối cùng) của tác giả Martin Windrow thì chiếc xe chỉ huy đại đội mang tên Conti, hai phân đội tăng ở phân khu Mường Thanh được chia thành phân đội Blue (Xanh dương), gồm các xe Bazeille, Douaumont, Mulhouse và phân đội Rouge (Đỏ): Ettlingen, Posen, Smolensk. Phân đội tăng đóng tại Hồng Cúm mang tên Vert (Xanh lá cây), gồm 2 xe tăng mang tên Ratisbonne và Neumach. Chiếc xe tăng chỉ huy được đặt là Conti, lấy từ tên tiểu đoàn 3 trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 Régiment Conti Cavalerie. Các tên Bazeille, Ettlingen, Posen, Smolensk, Auerstaedt, Ratisbonne, Neumach là do những người lính Lê dương gốc Đức đặt để tưởng nhớ những địa danh ở quê hương. Bazeille là thị trấn ở miền Nam nước Pháp, Etlingen là một thị trấn ở Tây Nam nước Đức, Posen là một làng ở Ba Lan nhưng thuộc nước Phổ (Đức), còn Smolensk ở miền Tây nước Nga.[7]

Xe tăng M24 Chaffee của Pháp tại cánh đồng Mường Thanh

Trong cuộc chiến tại Điện Biên, đại đội xe tăng này đã gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho quân đội Việt Nam. Như trong trận đánh đồi Độc Lập, ngày 15/3, quân Pháp mở cuộc phản công dưới sự chỉ huy của Trung tá Pierre Langlais, chỉ huy trưởng phân khu trung tâm thay cho Trung tá Jules Gaucher vừa tử trận, huy động 2 tiểu đoàn dù, tổng cộng 1.000 lính và tới 5 xe tăng, nhưng đang tiến quân thì bị nã pháo trúng đội hình nên bị đẩy lùi. Cuộc phản kích hòng chiếm lại con đường nối giữa phân khu Hồng Cúm và phân khu trung tâm ngày 28/3, cũng là một trận chiến khốc liệt có xe tăng yểm trợ. Trận này, xe tăng Pháp đã xông vào trận địa pháo phòng không của Việt Minh. Theo hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai biên tâp), do không có bộ binh bảo vệ, các pháo thủ đã phải dùng cờ lê, chân súng máy… đánh giáp lá cà với lính dù Pháp.[7]

Sau này, khi Việt Minh phát huy hiệu quả của súng không giật (DKZ) đạn lõm, lần lượt từng chiếc xe tăng của Pháp đã bị tiêu diệt. Trong trận đánh đồi A1, sáng 1/4/1954, khi quân đội Pháp cho 2 xe tăng từ phân khu trung tâm lên phản công; đại đội 674, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316 Việt Minh đã dùng DKZ bắn cháy một chiếc, chiếc còn lại bị thương phải rút lui. Chiếc xe bị bắn cháy mang tên Bezeille, hiện được trưng bày trên đồi A1. Một số xe tăng khác thì bị pháo binh của Việt Minh tiêu diệt, như chiếc tăng hiện “phơi xác” trên cánh đồng Mường Thanh hiện nay, đã bị đại đội pháo 105mm 802 thuộc trung đoàn pháo 45 bắn hạ ngày 23/4. Còn chiếc xe Ettlingen bị đại đoàn pháo 351 bắn cháy ngày 7/5, hiện đang nằm gần cửa hầm tướng De Castries, cạnh đó là chiếc xe chỉ huy Conti. Xe tăng chỉ huy Conti nằm giữa ngã ba cầu Mường Thanh - hầm tướng De Castries - sân bay Mường Thanh. Nó có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bị đạn pháo của Đại đoàn công pháo 351 Việt Minh bắn cháy vào 16h45 ngày 7/5/1954. Đại tá Hoàng Đăng Vinh, nguyên chiến sĩ đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, đại đoàn 312, người tham gia tổ chiến đấu đã xông vào hầm bắt sống tướng De Castries, kể lại:

“Trong quá trình tiến vào trung tâm, các đồng đội của tôi nhìn thấy trước mặt có một ụ đất nhô lên khá cao, xung quanh là 4 chiếc xe tăng chạy vòng tròn. Đang không biết là gì thì tổ bắt được một tên địch, sau khi tra hỏi hắn khai đó là hầm của tướng De Castries. Mừng rỡ khi biết thông tin đó, tổ của tôi liền tung thủ pháo đón đầu khiến một xe tăng trúng đạn rơi xuống giao thông hào, một chiếc khác bị đơn vị bạn tiêu diệt, hai chiếc còn lại liền tháo chạy".

Kết thúc trận Điện Biên Phủ, Việt Minh đã tiêu diệt 8 xe tăng địch, và thu được 2 chiếc còn nguyên vẹn. Những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm này đã tham gia vào đoàn quân duyệt binh mừng

chiến thắng ngày 13/5 trên cánh đồng Mường Phăng. Số xe này được sử dụng để huấn luyện cho các đơn vị ở Miền Bắc. Đến trước năm 1960, đây là những chiếc xe tăng duy nhất QĐNDVN sở hữu tại Việt Nam.[7]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xe tăng tại Việt Nam http://tank-biathlon.com/tankovyiy-biatlon-2018/ http://webdoc.sub.gwdg.de/ebook/p/2005/CMH_2/www.a... http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=... http://grunt-redux.atspace.eu/arvn_armour1.htm http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://stinet.dtic.mil/oai/oai?&verb=getRecord&met... http://www.militaryphotos.net/forums/archive/index... http://ia600601.us.archive.org/26/items/DTIC_ADA09... http://ia800100.us.archive.org/11/items/DTIC_ADA09... http://mcvthf.org/Maps/Tanks_in_Hue.htm